Các bạn học sinh luôn thắc mắc về cấu trúc ra đề thi. Tôi có thể vẽ cho các em toàn cảnh những lần thay đổi đề thi. Với 3 lần thay đổi, thì đề thi thường có 3 câu, trong 180 phút. Câu 1 điểm thường là hỏi về tác giả tác phẩm
Phương pháp ôn thi Ngữ văn hiệu quả kỳ thi THPT 2015: Mọi câu hỏi liên quan đến phương pháp ôn tập môn Ngữ văn, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được giải đáp bởi các thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm dạy và luyện thi đaị học.
Những thay đổi đáng kể trong đề thi môn Văn năm 2015?
MC: Thưa hai vị khách mời, để khẳng định tầm quan trọng của môn Văn, chúng ta vẫn thường mượn lời của nhà văn Nhà văn M.Goóc-ki để nói với nhau như thế này ạ: Văn học là nhân học. Ngữ Văn có thể nói là môn học thú vị nhưng cũng không kém phần gai góc với nhiều học sinh. Có một điều mà chúng ta thấy là những năm gần đây, xu hướng ra đề thi Văn có những sự thay đổi nhất định. Là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn ngữ văn thầy cô có thể phân tích rõ hơn những sự thay đổi này không ạ?
Cô Hằng: Xin gửi lời chào đến các bạn học sinh. Các bạn học sinh luôn thắc mắc về cấu trúc ra đề thi. Tôi có thể vẽ cho các em toàn cảnh những lần thay đổi đề thi. Với 3 lần thay đổi, thì đề thi thường có 3 câu, trong 180 phút. Câu 1 điểm thường là hỏi về tác giả tác phẩm, câu 2 thường là nghị luận văn học, câu 3 cũng là nghị luận văn học nhưng hỏi sâu hơn. Lần thay đổi 2, chia thành 2 phần, phần 3 điểm, phần 7 điểm và có chia hai phần cho thí sinh tự chọn. Lần thay đổi thứ 3 thì cũng chia 2 phần. Điểm lưu ý trong lần thay đổi 3 này là đề thi có phần câu hỏi mở, để thí sinh bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội.
Thầy Cường: Tôi lưu ý thêm cho các em chút. Đó là đối với phần 5 điểm trong dạng đề thi mở từ 2012 đến nay thiên về bình luận, gần như là đề thi năm nào cũng có đề bình luận. Đây là đặc trưng mà các em cần lưu ý. Yêu cầu các em phải thực hiện được kỹ năng so sánh, bình luận, cần thể hiện cá tính, bản lĩnh, sáng tạo trong giải quyết đề văn.
Cấu trúc đề thi môn Văn năm 2015?
MC: Như vậy là chúng ta ít nhiều đã thấy được sự thay đổi trong cách thức ra đề thi Môn Ngữ Văn những năm vừa qua. Và đến năm 2015 này, chúng ta lại tiếp tục có một sự thay đổi nữa. Chúng ta chỉ tiến hành 1 kỳ thi chung, nhưng sẽ thực hiện 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ. Như vậy, đương nhiên sẽ có sự kết hợp giữa đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH để phân loại thí sinh. Nhưng đến thời điểm hiện tại cũng chưa có công bố chính thức về định dạng đề thi môn Ngữ Văn năm 2015. Việc nắm được cấu trúc, định dạng đề thi sẽ giúp cho các em có được định hướng và kế hoạch ôn tập rõ ràng.
Tuy nhiên, khi trả lời các cơ quan báo chí, đại diện Bộ GDĐT cho biết đề thi năm nay sẽ đảm bảo việc phân hóa trình độ thí sinh, sẽ gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản, vừa nâng cao. Nghĩa là, đề thi phải đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Từ những dữ liệu trên, theo thầy cô kết cấu đề thi Ngữ Văn năm 2015 này sẽ có hướng như thế nào?
Thầy Cường: Về cấu trúc đề thi môn văn năm 2015 tới đây, về cơ bản sẽ làm theo thang điểm 20. Môn Văn sẽ thi 180 phút. Về cấu trúc đề thì chủ trương của Bộ sẽ nâng phần đọc hiểu lên một chút. Cấu trúc đề thi có thể có 3 câu: phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội, phần về nghị luận văn học. Câu nghị luận văn học sẽ hướng đến vận dụng và vận dụng cao, đồng thời kiểm tra kiến thức và kỹ năng của các em. Xu hướng vẫn sử dụng bài bình luận, so sánh. Theo tôi, đề thi năm nay sẽ không có phần lựa chọn như mọi năm. Phần đọc hiểu, Bộ nhận mạnh sẽ dùng một số dữ liệu trong và ngoài chương trình. Theo tôi nó sẽ tích hợp về hiện tượng đời sống và tư tưởng đạo lý.
Cô Hằng: Với vấn đề định dạng cấu trúc đề môn Văn không chỉ học sinh mà các thầy cô cũng rất lo lắng về đề thi. Với xu hướng ra đề 180 điểm thì sẽ có 3 câu rõ ràng. Mức độ câu hỏi sẽ có sự phân loại rõ ràng. Đối với những học sinh có năng lực khá giỏi cần phải làm phần nâng cao tốt hơn, vận dụng nâng cao phải so sánh, bình luận và thể hiện quan điểm cá nhân.
MC: Trong kết cấu đề thi đã phân tích ở trên, chúng ta thấy có phần đọc hiểu văn bản. Có thể nói đây là xu hướng mới: xu hướng từ việc kiểm tra đánh giá sự ghi nhớ những kiến thức (giáo viên đọc hộ, cảm hộ, hiểu hộ) sang kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh (tự mình cảm thụ, tìm hiểu và khám phá văn bản). Vậy phần Đọc, hiểu Văn Bản có phải là câu hỏi dễ với các em học sinh khối tự nhiên hay không? Ngữ liệu văn bản này thì được lấy từ đâu ạ?
Thầy Cường: Theo tôi, phần đọc hiểu văn bản, ngữ liệu mà Bộ nhắc sẽ được ưu tiên trong tác phẩm văn học, có thể Bộ sẽ lấy ở một lĩnh vực khác, nhưng chủ yếu sẽ là các tác phẩm văn học, thơ. Bộ lưu ý ngữ liệu có thể lấy ở ngoài bài học chính SGK, nhưng không phải là ngoài SGK. Các em cố gắng giải quyết chọn vẹn phần này để đạt điểm tối đa kể cả bạn không theo chuyên Văn.
Cô Hằng: Tôi xin bổ sung để giúp các bạn học sinh ôn tập tốt hơn phần này. Tôi thấy nhiều bạn đang hiểu sai và chủ quan với phần này. Các em cần chú ý là phải học kể cả bài học thêm, chứ không chỉ học chính. Các em trả lời đúng nhưng chưa trúng cũng không thể đạt điểm cao.
Với tôi đây là dạng bài vừa dễ, lại vừa khó. Với các bạn ban A, không thích viết dài sẽ rất thích vì chỉ cần viết ngắn, trúng là ăn điểm. Tuy nhiên, câu đọc hiểu này đòi hỏi vốn hiểu biết, khả năng cảm thụ văn chương nhất định mà không phải bạn nào cũng đảm bảo được. Để được điểm cao cần dẫn dắt vấn đề, viết thêm đoạn cảm nhận ngắn, nhưng không nên viết quá dài, tràn lan, không trúng ý.
Thầy Cường: Tôi xin bổ sung, chúng ta cần trả lời trực tiếp câu hỏi, câu hỏi đánh số thế nào các em phải làm đúng như thế. Đặc biệt các em phải nắm lại kiến thức tiếng Việt, kiến thức về lý luận văn học, ví dụ: 6 ngôn ngữ biểu đạt, biện pháp tu từ, các phép liên kết, thành phần câu, ẩn dụ, hoán dụ,... Tôi nghĩ là đề thi sẽ cài phần kiểm tra kiến thức này trong đọc, hiểu. Nên các em phải hết sức lưu ý.
MC: Trong kết cấu đề thi như các thầy cô đã nói ở trên chúng ta cũng thấy xuất hiện kiểu bài Nghị luận xã hội. Đây cũng là câu hỏi mà các bạn học khối tự nhiên nên tập trung để dành điểm. Bởi nó không đòi hỏi chúng ta phụ thuộc nhiều vào tác phẩm văn học. Tuy nhiên kiểu bài này đòi hỏi kỹ năng lập luận, đòi hỏi vốn sống, ý thức quan tâm đến xã hội, bản lĩnh tư duy độc lập và thế giới tâm hồn phong phú, nhạy cảm, chân thành của các em học sinh. Vậy thầy cô có thể khái quát cho các bạn học sinh một số dạng đề của kiểu bài Nghị luận xã hội được không?
Cô Hằng: Có 2 kiểu bài nghị luận xã hội: Tư tưởng đạo lý, Hiện tượng trong đời sống xã hội,. Các học sinh rất thích hiện tượng trong đời sống xã hội. Đây kiểu bài dành cho học sinh ban A lấy điểm rất tốt. Các em không cần viết dài, viết ngắn, khúc triết, bày tỏ được quan điểm cá nhân.
Các con nên cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông, các con nên chép lại, tích cực trau dồi kiến thức về đời sống xã hội. Rèn tư duy logic, cần phân tích thực trạng, lý giải nguyên nhân, đưa biện pháp, trách nhiệm bản thân, cộng đồng. Về hình thức thể hiện, mặc dù các em thích sáng tạo nhưng nên lưu ý không nên viết dưới dạng bức thư và ký tên vào đó. Cái này dễ bị đánh giá là có gian lận.
Thầy Cường: Rất có thể đề thi sẽ tích hợp cả hai vừa có tư tưởng đạo lý vừa là hiện tượng đời sống. Những ví dụ ở các đề thi các năm gần đây các em có thể thấy được sự kết hợp này. Theo tôi, khi làm đề này, các em cần đáp ứng được yêu cầu của đề là bày tỏ quan điểm, thể hiện cách nhìn nhận đánh giá của mình vào chứ không phải đưa thật nhiều dẫn chứng. Mỗi ý cần 1 dẫn chứng là đủ, và dẫn chứng cần chọn lọc. Và nên lấy ví dụ từ hiện thực, thực tế đang diễn ra. Bộ thường giới hạn phần này trong khoảng 600 từ, đừng quá dài. Các em đừng nghĩ Nghị luận xã hội là chém gió.
****
Những thay đổi về hình thức thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã mang tới cho các học sinh lớp 12 không ít bối rối. Theo sự thay đổi này, năm nay, các học sinh sẽ phải thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc là: Toán, Văn, Anh và 1 môn tự chọn. Việc phải làm 1 bài thi được sử dụng với 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng đã mang tới cho học sinh nhiều băn khoăn, nhất là đối với môn Ngữ văn. Bởi lẽ, lâu nay nhiều học sinh theo khối tự nhiên dường như bỏ ngỏ môn học này. Chính vì thế, thời điểm này, các em đang rơi vào tình trạng chạy cấp tốc với mong muốn đủ điểm tốt nghiệp. Trong khi đó, các học sinh đang học khối C và D dù có phần tự tin hơn nhưng cũng gặp phải ít nhiều lo lắng về hình thức ra đề và cách chuyển sang thang điểm 20.
Nhằm giúp các em học sinh giải quyết những lo lắng này và đưa ra một phương pháp ôn luyện hiệu quả, Báo Đất Việt đã phối hợp cùng Công thông tin giáo dục trực tuyếnViettelstudy.vn ( luyện thi đại học)và Trang tin điện tử Tiin.vn tổ chức chương trình Giao lưu tư vấn trực tiếp Vì tương lai với chủ đề Phương pháp ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả cho kỳ thi THPT quốc gia 2015. Hai vị khách mời tham gia trong chương trình này là: TS Phạm Hữu Cường, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội và cô Đỗ Thị Thu Hằng, giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây là 2 thầy cô đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc luyện thi đại học cũng như tham gia vào đội ngũ ra đề thi đại học, cao đẳng.
Lịch thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 chính thức:
Thời gian thi làm bài cụ thể các môn như sau:
- Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý: thi tự luận, 180 phút.
- Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học: thi trắc nghiệm, 90 phút.
- Các môn Ngoại ngữ: có phần viết và trắc nghiệm, 90 phút.
Thống nhất thời điểm bóc túi đựng đề thi tại phòng thi trên toàn quốc:
- Buổi sáng: 07 giờ 45
- Buổi chiều: 14 giờ 15
Máy tính được sử dụng trong kỳ thi thpt quốc gia 2015
Casio FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus, FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus; VinaCal 500MS, 570 MS, 570 ES Plus và 570 ES Plus II; Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES plus function, VN 570 RS, VN 570 ES và VN-570ES Plus;Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon F-788G, F-789GA; Và các máy tính khác nhưng phải đảm bảo quy định máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ để lưu dữ liệu.
Xét tuyển ĐH-CĐ chính quy 2015 Bộ GD-ĐT quy định như sau:Các trường phải công khai thông tin về quy định xét tuyển như chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành đối với từng đợt xét tuyển, dành 75% cho các khối thi truyền thống, điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT (dự kiến ngày 1-8), điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.
- Xét tuyển nguyện vọng (NV) 1: từ ngày 1 đến 20-8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25-8)
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 1: từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20-9)
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 2: từ ngày 20-9 đến hết ngày 5-10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10-10)
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 3: từ ngày 10 đến hết ngày 25-10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 31-10)
- Xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường CĐ): từ ngày 31-10 đến hết ngày 15-11 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20-11).
- Các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT báo cáo kết quả tuyển sinh 2015 về Bộ GD-ĐT chậm nhất là ngày 31-12..