6 thiết bị cơ bản để thu âm tại nhà với chất lượng chuyên nghiệp

Hồi còn là sinh viên, khi còn là 1 gã guitar tay mơ, tôi đã có ước mơ về  một band nhạc rock của riêng mình. Rồi thì ước mơ cũng trở thành sự thật.Thậm chí tôi đã có vài band nhạc rock chứ không phải chỉ 1.
Tuy nhiên, hầu hết các band nhạc của tôi dừng hoạt động vì một lý do khá oái oăm: trong band không một ai có khả năng thu âm cả! Tôi quyết định không thể để tình trạng này tái diễn và giao phó vận mệnh của band cho người khác, thế nên tôi tập thu âm tại nhà, tập làm 1 Bedroom Producer.
Có thể, câu chuyện của bạn không giống tôi nhưng chúng ta đều có chung mục đích là tự làm nhạc tại nhà. Bài viết này sẽ giúp bạn biết được mình cần chuẩn bị những thiết bị cơ bản nào để hiện thực hóa mong ước đó.
Biết đâu, có 1 ngày, sự nghiệp của bạn sẽ cất cánh nhờ những tác phẩm sản xuất “thủ công” từ studio nho nhỏ của mình! Điều đó đã xảy đến với rất nhiều người. Tại sao bạn lại không thử?




  Madilyn Bailey đã cực kỳ thành công trên YouTube. Cô chỉ khởi đầu với những bản thu tại nhà như bao người khác.
Tôi không có ý định làm một cuốn bách khoa toàn thư về trang thiết bị thu âm trong bài viết này. Các loại trang thiết bị giới thiệu trong bài viết là những thành phần cơ bản nhất giúp bạn có thể thu âm tại nhà với hiệu quả cao nhất và chi phí hợp lý nhất.
Tôi cần phải viết 1 bài như vậy vì nếu không có những người đi trước chỉ bảo chân thành, hoặc gặp những chuyên gia chém gió, thì bạn sẽ có nguy cơ tốn tiền hao của cho những thiết bị đắt tiền vượt quá xa so với nhu cầu của bạn và cũng chả hiểu mua để làm gì.
Nào, bắt đầu thôi!
Dưới đây là danh sách các thiết bị thiết yếu để bạn có thể thu âm tại nhà với chất lượng chuyên nghiệp
  1. Máy tính và phần mềm làm nhạc
  2. Studio Monitors – Loa kiểm âm
  3. Studio Headphone
  4. Audio Interface
  5. Microphone
  6. Các tấm tiêu âm
  7. MIDI Controller và các thiết bị khác (tùy nhu cầu)

1. Máy tính và phần mềm thu âm/làm nhạc

Nếu tiêu chí của bạn là hiệu quả về chi phí và linh hoạt, thì đừng tìm đâu xa. 1 chiếc máy tính cá nhân (PC) và phần mềm làm nhạc tốt là quá đủ.
Đây không phải là lựa chọn của mình bạn hay chúng tôi. hàng trăm nghìn người khác cũng tương tự và sản phẩm họ làm ra không thua kém gì so với những ca khúc thị trường (tất nhiên, theo chuẩn công nghiệp quốc tế).
Hãy cảm ơn các nhà công nghiệp máy tính và phần mềm vì họ đã mang đến cho bạn giải pháp thu âm kỹ thuật số tại nhà chất lượng cao với chi phí tối thiểu!
Về cơ bản, máy tính và phần mềm làm nhạc sẽ giúp bạn:
  • Thu âm (với trang thiết bị đi kèm Soundcard hoặc Audio Interface)
  • Viết nhạc, phối khí (bạn có thể cần thêm Keyboard để tiện viết nhạc và ghi lại dưới dạng tín hiệu MIDI, với tôi thì không. Tôi viết nhạc hoàn toàn trên máy tính)
  • Mix nhạc (chèn hiệu ứng, căn chỉnh âm thanh…)
  • Làm Audio Mastering (Tạp chí MIX sẽ có 1 bài viết giới thiệu Mastering riêng)
  • Ghi đĩa CD/DVD, lưu trữ và chia sẻ các project âm nhạc

Máy tính thu âm

Tiêu chí cho máy tính thì rõ ràng: càng… khỏe càng tốt. Nhưng tôi khuyên bạn nên nhờ những người rành về phần cứng xây dựng cấu hình để bạn có 1 chiếc máy tính bền bỉ, mạnh mẽ và có khả năng nâng cấp tốt.
Lời khuyên của MIX: Hãy mua nhiều RAM (ít nhất 04 Gb) để thoải mái sử dụng các thư viện nhạc cụ ảo. HDD có dung lượng lớn (nếu có điều kiện, nên mua ít nhất 02 chiếc) để lưu các project âm nhạc và chương trình cài đặt. CPU ít nhất là Intel Core i5 hoặc AMD Athlon X4 620. Ngoài ra, bạn nên cân nhắc các bo mạch chủ có sẵn kết nối Firewire IEEE 1394 để sử dụng các Audio Interface hỗ trợ kết nối này.

Phần mềm thu âm/làm nhạc (DAW – Digital Audio Workstation)

Về phần mềm thu âm, những người mới mày mò thu âm và kể cả người bán chuyên nghiệp vẫn hay nhắc tới Adobe Audition, FL Studio và thậm chí cả… Audacity!
Tuy nhiên, nếu bạn nghiêm túc với việc thu âm và làm nhạc trên máy tính, tôi khuyên các bạn nên chọn một giải pháp chuyên nghiệp hơn, có nhiều phần mềm hỗ trợ và có cộng đồng người dùng đông đảo.
Cubase 7 - Phần mềm thu âm chuyên nghiệp
Cubase 7 – Phần mềm thu âm chuyên nghiệp
Phần mềm Cubase của hãng Steinberg là 1 trong những ứng cử viên sáng giá nhất. Dễ dùng, cực kỳ phổ biến, nhiều plugin (VST) miễn phí chất lượng tốt là điều tôi thích ở Cubase.
Nếu túi tiền không cho phép hoặc muốn một hệ thống gọn nhẹ hơn, REAPER là một lựa chọn không tồi!
Bạn đang bĩu môi vì cho rằng dùng máy MAC và chạy Pro Tools là số 1?
Câu trả lời là chạy MAC rất OK. Protool cũng rất chất lượng và là phần mềm chuẩn công nghiệp thu âm. MAC hay PC đều ổn cả, quan trọng vẫn là yếu tố con người. Vấn đề này tôi sẽ phân tích kĩ hơn ở một bài viết khác.Trong khuôn khổ bài viết này, tôi khuyên bạn nên dùng Cubase trên PC. Hơn nữa, chi phí cho PC đương nhiên là thấp hơn MAC rồi.
Ghi chú: Các bài viết hướng dẫn sử dụng Cubase đã có rất nhiều trên mạng rồi, bạn có thể google để tìm hiểu. Tạp chí MIX không viết bài về nội dung đó. Nếu khó khăn trong vấn đề sử dụng, hãy liên hệ với chúng tôi hoặc bình luận trực tiếp tại đây, bạn sẽ được giải đáp cặn kẽ.

2. Studio Monitors (Loa kiểm âm phòng thu)

Studio Monitors là thành phần rất quan trọng trong hệ thống studio của bạn. Nhiều người còn gọi nó là loa kiểm âm – tức là kiểm tra âm thanh. Bản mix của bạn có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào nó.
Loa kiểm âm quan trọng chỉ sau đôi tai của bạn
Loa kiểm âm quan trọng chỉ sau đôi tai của bạn
Hãy tưởng tượng, khi bạn xem một bức ảnh vừa in có màu sắc tồi tệ trong điều kiện thiếu ánh sáng, hoặc thừa sáng hay dưới ánh đèn… màu. Bạn cảm thấy hài lòng và gói vào phong bì gửi tặng người yêu.
Sáng hôm sau, người yêu bạn nhận được bưu thiếp. Cô ấy đứng ngoài sân, mở phong bì ra và nụ cười trên môi… tắt dần. Lúc này, ở điều kiện ánh sáng đầy đủ, bức ảnh hiện ra trung thực hơn. Các lỗi màu sắc thi nhau… khoe sắc.
Bạn có thấy được vấn đề? Chỉ khi ở trong điều kiện ánh sáng đầy đủ và trung thực, chất lượngthực sự của bức ảnh mới được đánh giá chính xác và tất cả các lỗi của nó mới được hé lộ
Có như thế nào, thể hiện ra như thế.
Đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của loa kiểm âm.
Khi bạn nghe trên hệ thống studio monitors, mọi thứ trong bản mix đều nguyên bản hơn rất nhiều, bạn biết được bản mix của bạn thiếu gì, thừa gì, bị vấn đề gì. Nếu bạn nghe nhạc, thu âm, mix nhạc trên một hệ thống loa dân dụng (dù chất lượng cao đi nữa) thì thật sự quá khó khăn để rèn luyện đôi tai, và tạo ra những bản mix hay có thể nghe tốt trên nhiều hệ thống âm thanh khác. Vì âm thanh bạn nghe đã bị chất âm đặc trưng của đôi loa – mà các nhà sản xuất hay quảng cáo – làm SAI LỆCH.
Vậy nói tóm lại, nhiệm vụ (và tiêu chí) quan trọng nhất của loa kiểm âm là phải đem lại cho bạn một môi trường âm thanh khách quan, trung thực nhất.
Không nịnh tai, không bóp méo, không giả tạo.

3. Studio Headphone

Sony V6 Closed-Back sẽ giúp bạn vừa thu âm tiện lợi vừa mix nhạc tốt
Sony V6 Closed-Back sẽ giúp bạn vừa thu âm tiện lợi vừa mix nhạc tốt
Studio Headphone và Studio Monitors có chung tiêu chí lựa chọn như nhau. Đừng dùng những chiếc heaphone nịnh tai như nhiều bass, treble siêu mượt hay gì đi nữa để thu âm và mix nhạc.
Studio Headphone có 2 chức năng:
  1. Nghe nhạc nền và tín hiệu âm thanh đang thu (giọng hát, guitar…) trong quá trình thu âm
  2. Mix nhạc
Tương ứng với 2 chức năng này, Studio Headphone được thiết kế thành 2 dạng: Closed-Back và Open-Back.
  1. Closed-Back Headphone được thiết kế để cách ly tối đa các nguồn âm thanh khi đang thu âm. Nó phải ngăn không âm thanh nào thoát ra ngoài/lọt vào trong.
  2. Open-Back Headphone (thường đắt hơn Closed-Back Headphone) được thiết kế để tối ưu chất lượng âm thanh nhưng có điểm yếu là dễ bị lọt âm thanh ra ngoài. Vì thế, nó phù hợp để mix nhạc.
Lời khuyên của MIX: Nếu túi tiền hạn hẹp, bạn nên mua Closed-Back Headphone để thu âm tốt và mix nhạc với chất lượng âm thanh đảm bảo.

4. Audio Interface

Đây chính là hệ thống giao tiếp giữa các cổng âm thanh đi vào và đi ra với máy tính. Nó giúp bạn thu tín hiệu âm thanh từ nhạc cụ vào máy tính và phát tín hiệu âm thanh từ máy tính ra loa.
TC Desktop Konnekt 6 - Audio Interface tốt nhất trong tầm giá 200$
TC Desktop Konnekt 6 – Audio Interface tốt nhất trong tầm giá 200$
Có rất nhiều loại Audio Interface trên thị trường, nhưng chung quy lại, có 03 loại chính sau:
  • Giao tiếp USB: Kết nối với PC bằng cổng USB, loại này phổ biến
  • Giao tiếp Firewire IEEE 1394: Kết nối với PC/MAC thông qua cổng Firewire – cổng chuyên dụng cho multimedia. Loại kết nối này cho độ ổn định và tốc độ cao, tránh được nhiều xung đột phần cứng. Hãy ưu tiên chọn loại Audio Interface có giao tiếp này
  • Giao tiếp PCI hoặc PC card: Cắm trực tiếp vào máy tính, tính cơ động không cao bằng 2 loại trên.
Khi chọn Audio Interface, bạn cần quan tâm xem nhu cầu của mình là gì?
Bạn thu cho 1 hay nhiều người cùng một lúc? Nguồn âm thanh và thiết bị bạn thu âm là gì? Hát, guitar hay keyboard…?
Hãy cân nhắc kỹ và chọn số lượng và loại đường vào (input) trên Audio Interface.
Tin tốt là chỉ với 150-400$, bạn có rất nhiều lựa chọn không tồi một chút nào!
Lời khuyên của MIX:
  • Chọn Audio Interface có giao tiếp Firewire
  • Nếu thu guitar, hãy chọn Audio Interface có Hi-Z Input dành riêng cho guitar
  • Chất lượng > Số lượng: điều này cực đúng với số lượng đường vào (input)

5. Microphone

Microphone là thiết bị giúp bạn thu âm thanh bên ngoài vào máy tính như: giọng hát, đàn piano, trống, guitar cổ điển… Hãy chọn Microphone loại tốt nhất có thể trong túi tiền của bạn để có nguồn âm thanh tốt nhất trước khi mix.
Adele thu hát tại nhà với microphone
Adele thu hát tại nhà với microphone
Microphone gồm 3 loại chính: Condenser, Dynamic và Ribbon.
Tùy vào mục đích và tính chất sẽ được sử dụng trong các trường hợp khác nhau. Các studio thông thường chủ yếu vẫn sử dụng các loại microphone Condenser vì nó có độ nhạy cao, cho âm thanh tương đối chính xác.
Điều này vô tình là con dao 2 lưỡi, nếu thu không tốt, sẽ rất dễ dính tạp âm. Vì vậy cần xử lý cách âm, tiêu âm tốt hoặc thu trong một không gian yên tĩnh.
Microphone Condenser được nuôi bằng nguồn điện phantom 48V. Thật may, các Audio Interface đời mới ngày nay đều hỗ trợ phantom 48V. Hãy hỏi kỹ người bán hàng về thông số này.

6. Các tấm tiêu âm

Các tấm tiêu âm có tác dụng… tiêu âm. Rõ ràng rồi, chúng giúp kiểm soát các đặc tính âm học trong căn phòng giúp bạn:
  • Thu âm tốt hơn, âm thanh trung thực hơn
  • Ra quyết định mixing, mastering tốt hơn do có được cái nhìn chính xác về bản mix
  • Trang trí” (nửa đùa nửa thật)
Tiêu âm để thu hát tốt hơn
Tiêu âm để thu hát tốt hơn
Hãy tin chúng tôi. Bạn sẽ cải thiện chất lượng bản mix, bản thu rất nhiều chỉ với 1 vài tấm tiêu âm cơ bản.

7. MIDI Controller và các thiết bị khác

Nếu bạn là người chơi keyboard, piano thì phòng thu tại nhà của bạn không thể thiếu MIDI controller. Hãy chọn mua MIDI Controller hỗ trợ kết nối USB với máy tính hoặc chọn Audio Interface hỗ trợ MIDI Input.
Để hiểu rõ về MIDI và MIDI Controller thì cần nói đến nhiều thứ hơn. Nhưng nó không khó hiểu. MIX sẽ trình bày với bạn trong một bài viết riêng.

Các thiết bị khác

  • Mixer. Nếu bạn không thu đồng thời với nhiều nhạc cụ và nhiều người, thì xin thưa, với phòng thu tại nhà, mixer không cần thiết.
  • Dây âm thanh (audio cable). Âm thanh được dẫn qua dây dẫn. Dây dẫn lởm. Âm thanh lởm. Chấm.
  • Pop Filter. Màng lọc âm rẻ tiền (400.000 – 1.200.000đ/chiếc) dùng để lọc phụ âm ‘p‘ và ‘b‘.

Thu âm tại nhà, chất lượng chuyên nghiệp

Điều đó hoàn toàn có thể nếu bạn biết rõ mình cần gì và sử dụng tốt tất cả những công cụ đã có. Bạn có gợi ý khác về các thiết bị thu âm tại nhà thiết yếu hay lời khuyên muốn dành cho những người ham thích thu âm tại nhà? Hãy bình luận ở phía dưới nhé!
                                                                                            Nguồn :http://www.tapchimix.com/

Liên Kết

Bạn bè